Hình thức quan hệ tài chính quốc tế của Việt Nam Tài_chính_quốc_tế

Tín dụng quốc tế

Khái niệm của tín dụng quốc tế

Tín dụng quốc tế là tổng thể các quan hệ kinh tế phát sinh giữa các nhà nước, các cơ quan nhà nước với nhau, hoặc với các tổ chức tài chính quốc tế, cá nhân người nước ngoài và giữa các doanh nghiệp của các nước khác nhau khi cho vay và trả nợ tiền vay theo những nguyên tắc tín dụng. Tín dụng quốc tế ra đời là một yêu cầu khách quan trên cơ sở quan hệ ngoại thương và thanh toán quốc tế; không chỉ là yêu cầu khách quan về mặt kinh tế mà còn là yêu cầu khách quan để phát triển các mối quan hệ về chính trị, ngoại giao và các quan hệ khác giữa các nước.

Tín dụng thương mại

Khái niệm tín dụng thương mại

Tín dụng thương mại là các khoản vay mượn do các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của hai nước cung cấp cho nhau do mua bán hàng của nhau. Hình thức tín dụng này, sự vận động của tín dụng gắn liền với sự vận động của hàng hóa, tức là quá trình vay mượn xảy ra song song với quá trình mua bán.

Các hình thức của tín dụng thương mại
  • Tín dụng cấp cho người nhập khẩu;
  • Tín dụng cấp cho người xuất khẩu.

Tín dụng ngân hàng

Khái niệm tín dụng ngân hàng

Tín dụng ngân hàng là những khoản vay mượn do các ngân hàng thương mại cung cấp để tài trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động đầu tư cơ bản nước ngoài.

Các hình thức của tín dụng ngân hàng
  • Tín dụng ứng trước;
  • Tín dụng chấp nhận;
  • Tín dụng tài chính.

Tín dụng chính phủ

Khái niệm tín dụng chính phủ

Tín dụng chính phủ là quan hệ vay mượn giữa hai chính phủ của hai quốc gia.

Các hình thức tín dụng chính phủ
  • Tín dụng ngắn hạn;
  • Tín dụng trung hạn;
  • Tín dụng dài hạn.

Tín dụng tư nhân và tổ chức phi chính phủ

Loại hình tín dụng này được thực hiện do một cá nhân, một nhóm người hay một tổ chức phi chính phủ cấp tín dụng cho một chính phủ của một quốc gia khác. Nguồn vốn vay này có quy mô nhỏ, thường được sử dụng vào các chương trình phúc lợi và an ninh xã hội (vệ sinh môi trường, đào tạo nghề, cấp thoát nước, chăm lo sức khỏe,...).

Tín dụng của tổ chức tài chính quốc tế

Đây là loại tín dụng nhà nước đa phương do các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tệ, Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng khu vực thực hiện đối với các nước thành viên dựa trên nguồn vốn do các nước thành viên góp và huy động từ thị trường.

Các hình thức của tín dụng bao gồm:

  • Tín dụng hỗ trợ điều chỉnh cán cân thanh toán;
  • Tín dụng điều chỉnh cơ cấu ngành;
  • Tín dụng phát triển kinh tế - xã hội.

Quản lý nợ nước ngoài

Quản lý nợ nước ngoài nhằm mục đích hạn chế và ngăn ngừa rủi ro. Quản lý nợ nước ngoài cần chú ý:

  • Thực hiện tốt chu trình vay nợ nước ngoài;
  • Xác lập các chỉ tiêu cơ bản về khả năng hấp thụ vốn vay và khả năng trả nợ.

Hỗ trợ phát triển chính thức ODA

Hỗ trợ phát triển chính thức ODA - Official Development Asistant - là việc các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế và chính phủ các nước phát triển viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay ưu đãi đối với các nước đang phát triển.

Đầu tư quốc tế trực tiếp

Đầu tư quốc tế trực tiếp hay còn gọi là đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI - Forein Direct Investment - là một hình thức di chuyển vốn quốc tế, trong đó người chủ sở hữu vốn đồng thời là người trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động sử dụng vốn.